Home Tin tức Thực hư lời nguyền xác ướp trong mộ vua Tutankhamun

Thực hư lời nguyền xác ướp trong mộ vua Tutankhamun

by admin


Ai CậpCó ít nhất 9 người tham gia khai quật ngôi mộ của pharaoh Tutankhamun đã qua đời khiến có nhiều nghi ngờ về “lời nguyền xác ướp”.

Hầm mộ của vua Tutankhamun. Ảnh: NBC News

Hầm mộ của vua Tutankhamun. Ảnh: NBC News

Ngày 4/11/1922, ở Thung lũng các vị vua của Ai Cập, nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter tình cờ đi ngang qua một bậc thang đổ nát, nằm ẩn một nửa bên dưới mảnh vỡ từ ngôi mộ của pharaoh Ramesses IV. Đào sâu hơn, ông phát hiện nhiều bậc thang hơn, dẫn tới một cánh cửa đá bịt kín. Carter gọi nhà tài trợ là Lord Carnarvon tới di chỉ. Họ tìm thấy một trong những phát hiện lớn nhất trong lịch sử ngành Ai Cập học. Ngôi mộ chứa hơn 5.000 đồ tạo tác, vàng, trang sức, thức ăn cúng tế và tượng trang trí hoa văn. Nhưng kho báu không phải thứ duy nhất nhóm khảo cổ khai quật, Newsweek hôm 1/11 đưa tin.

5 tháng sau đợt khai quật, Lord Carnarvon qua đời. Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh phổi và nhiễm độc máu do muỗi đốt. Một tháng sau, George Jay Gould, nhà tài phiệt giàu có người Mỹ từng ghé thăm ngôi mộ, cũng chết vì nguyên nhân tương tự. Năm 1924, nhà khảo cổ học người Anh Hugh Evelyn-White tự sát sau khi để lại lời nhắn: “Tôi bị dính lời nguyền xác ướp”. Cuối năm đó, nhà X quang học chụp xác ước trước khi giao cho nhà chức trách ở viện bảo tàng, chết vì một căn bệnh không thể xác định. Trong vòng một thập kỷ, ít nhất 9 người liên quan tới đợt khai quật đã qua đời, khiến nhiều người cho rằng đây là bằng chứng về lời nguyền xác ướp.

Vào thập niên 1970, ngôi mộ 500 năm tuổi của vua Ba Lan là Casimir IV Jagiellon được mở ra lần đầu tiên ở nhà thờ Wawel tại Krakow. Trong vòng vài ngày sau buổi khai quật, 4 trong 12 nhà nghiên cứu chết và vài người khác chết trong ít tháng sau đó. Bất chấp tin đồn về lời nguyền cổ đại, các nhà khoa học nhanh chóng tìm ra lời giải thích. Mẫu vật lấy từ xác nhà vua hé lộ hài cốt chứa đầy bào tử nấm Aspergillus flavus.

“Phần lớn mọi người hít bào tử nấm Aspergillus mỗi ngày mà không bị ốm”, Tom Chiller, giám đốc Chi nhánh bệnh về nấm thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh dịch Mỹ, cho biết. “Tuy nhiên, đối với người có hệ miễn dịch yếu, hít bào tử nấm Aspergillus có thể gây nhiễm trùng phổi hoặc viêm xoang và lan tới các bộ phận khác trong cơ thể. Kết quả là hội chứng có tên aspergillosis. Có nhiều aspergillosis khác nhau. Một số dạng nhẹ nhưng vài dạng rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong”.

Trong khi Aspergillus fumigatus là loại phổ biến nhất trong chi nấm Aspergillus ở Mỹ, Aspergillus flavus phổ biến hơn ở châu Á. Ngoài gây hội chứng aspergillosis, loài này còn chứ chất độc flavitoxin, có thể gây tử vong cho người và động vật, đồng thời là nguồn chính khiến thức ăn ôi thiu.

Kho báu trong mộ vua Tutankhamun bao gồm nhiều túi bánh mỳ và hạt thô, có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm. Nhưng nếu Aspergillus flavus thực sự đứng sau lời nguyền xác ướp, nó phải ở trong mộ vị vua trẻ trong thời gian rất dài. “Aspergillus phát tán nhờ bào tử. Dù ưa chất nền giàu carbon như gỗ mục và điều kiện ẩm ướt, chúng có thể sống sót trong điều kiện dưỡng chất kém với lượng nước ít ỏi”, Michael Wise, nhà khoa học máy tính ở Đại học Western Australia, người chuyên nghiên cứu thông tin vi khuẩn, cho biết.

Đối với phần lớn tổ chức gây bệnh, giết chết vật chủ không có lợi bởi điều đó sẽ ngăn chúng lan truyền. Tuy nhiên, nếu một tổ chức sinh vật có thể sống sót trong thời gian dài bên ngoài vật chủ, chúng sẽ tiến hóa để trở nên nguy hiểm hơn. Năm 2017, Wise và cộng sự tìm thấy bằng chứng di truyền cho thấy vi khuẩn có khả năng sử dụng chiến thuật trên để tồn tại bền bỉ hơn và mang độc lực cao hơn các loài khác. Nghiên cứu tiến hành trên vi khuẩn nhưng nguyên tắc tương tự cũng đúng với nấm như Aspergillus.

Để sống sót qua thời gian dài, vi sinh vật tiến vào trạng thái sinh dưỡng cho tới khi chúng tiếp xúc với vật chủ lần nữa. Đối với Aspergillus, chúng sẽ ở dạng bào tử. Nấm Aspergillus có thể sống trên thi thể cũng như vật chất phân hủy và từng được phát hiện trên các xác ướp Ai Cập cổ đại khác. Nhiễm độc Aspergillus cũng là nguyên nhân góp phần dẫn tới cái chết của ít nhất 3 nạn nhân của lời nguyền xác ướp. Dù không thể xác định chắc chắn, nhiễm nấm Aspergillus có thể là lý giải khoa học cho lời nguyền của vua Tutankhamun, theo Wise.

An Khang (Theo Newsweek)



vnexpress.net

related posts

Leave a Comment