Home Tin tức Tàu NASA thu được âm thanh kỳ quái

Tàu NASA thu được âm thanh kỳ quái

by admin


NASA công bố đoạn audio dài 11 giây ghi lại âm thanh trên quỹ đạo sao Mộc khi tàu vũ trụ Juno bay gần mặt trăng Europa.

Tàu NASA thu được âm thanh kỳ quái

Tàu Juno ghi lại âm thanh trên quỹ đạo sao Mộc. Video: NASA

Âm thanh kỳ quái và có phần ghê rợn này thể hiện sự biến đổi của tần số plasma, sử dụng dữ liệu do tàu Juno thu thập khi nó bay qua mặt trăng băng giá Europa của sao Mộc vào ngày 29/9 ở khoảng cách 350 km với tốc độ lên tới 23,6 km/s, Space hôm 27/10 đưa tin.

Trong video này, sóng plasma được đo bằng thiết bị Waves trên tàu vũ trụ Juno và chuyển đổi sang dải tần mà con người có thể nghe được. Khi vạch trắng di chuyển trên quang phổ, một cách trực quan để biểu thị cường độ tín hiệu theo thời gian, chúng ta có thể nghe thấy sự biến đổi tần số của sóng plasma gần Europa khi mật độ plasma thay đổi. Video thể hiện dữ liệu được thu thập trong khoảng 1,5 giờ trong sự kiện. Thời gian được biểu thị dưới trục ngang theo Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) – tiêu chuẩn khoa học trên toàn thế giới về thời gian hiện hành.

Trong khi đó, màu sắc thể hiện biên độ điện trường theo thời gian và tần số. Màu ấm hơn thể hiện biên độ lớn hơn. Các đốm sáng là sự phát xạ ở tần số đặc trưng của plasma từ hóa. Những phát xạ này cho chúng ta biết mật độ của plasma gần Europa dao động từ khoảng 60 đến 120 electron/cm3, với một đỉnh rất ngắn gần 300 electron/cm3 ngay tại thời điểm Juno tiếp cận Europa gần nhất lúc 9h36.

Mô phỏng tàu Juno bay qua mặt trăng Europa của sao Mộc. Ảnh: Inverse

Mô phỏng tàu Juno bay qua mặt trăng Europa của sao Mộc. Ảnh: Inverse

Công cụ Waves được thiết kế để giúp các nhà khoa học hiểu sự tương tác giữa bầu khí quyển, từ trường và từ quyển của sao Mộc, đồng thời nghiên cứu các cực quang của nó. Thiết bị có thể phát hiện điện trường của phát xạ vô tuyến từ 50 Hz đến 40.000.000 Hz và từ trường từ 50 Hz đến 20.000 Hz.

Biết được mật độ plasma gần Europa là rất quan trọng để hiểu cách mặt trăng băng giá này tương tác với từ quyển của sao Mộc. Từ trường của sao Mộc – lớn nhất trong hệ Mặt Trời – bẫy plasma lấp đầy không gian xung quanh Europa. Khi mặt trăng của sao Mộc chuyển động trên quỹ đạo, từ trường thay đổi. Các biến đổi theo thời gian khiến Europa tạo ra từ trường riêng, từ đó có thể cung cấp manh mối về cấu trúc bên trong mặt trăng.

Tàu vũ trụ Juno – đi vào quỹ đạo xung quanh sao Mộc từ ngày 4/7/2016 – là thiết bị thám hiểm đầu tiên bay qua bên dưới những đám mây dày đặc của hành tinh này để trả lời các câu hỏi về thiên thể khí khổng lồ cũng như nguồn gốc của hệ Mặt Trời. Nhiệm vụ mở rộng của Juno bắt đầu vào tháng 8/2021 và sẽ tiếp tục điều tra về sao Mộc cho đến tháng 9/2025.

Đoàn Dương (Theo Space/NASA)



vnexpress.net

related posts

Leave a Comment