Home Tin tức Những thành tựu khoa học vũ trụ nổi bật của Trung Quốc

Những thành tựu khoa học vũ trụ nổi bật của Trung Quốc

by admin


Chỉ trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trên con đường trở thành một cường quốc không gian.

Một vụ phóng vệ tinh BDS-3 vào ngày 5/11/2019. Ảnh: AFP

Một vụ phóng vệ tinh BDS-3 vào ngày 5/11/2019. Ảnh: AFP

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng kể từ đầu thế kỷ 21, dẫn đến đầu tư lớn hơn vào các chương trình không gian và nhờ đó đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong hơn hai thập kỷ qua.

Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu

Ngay đầu những năm 2000, Trung Quốc đã bắt tay xây dựng hệ thống vệ tinh định vị độc lập đầu tiên của riêng mình – được gọi là Bắc Đẩu hay BDS – để thay thế cho GPS của Mỹ.

Thế hệ đầu tiên (BDS-1), bao gồm ba vệ tinh thử nghiệm, ra mắt vào năm 2000 và hoạt động đến cuối năm 2011 với phạm vi phủ sóng và dịch vụ định vị hạn chế. Thay thế cho hệ thống cũ là thế hệ BDS-2, bao gồm 5 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh và 30 vệ tinh phi địa tĩnh, bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 12/2012, với thông tin định vị chính xác đến 10 m.

Năm 2015, Trung Quốc ra mắt hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ ba (BDS-3) để phủ sóng toàn cầu. Vệ tinh đầu tiên phóng vào ngày 30/3/2015 và đến ngày 23/6/2020, toàn bộ mạng lưới được hoàn thành với vệ tinh thứ 30 cuối cùng được đưa vào quỹ đạo. Hệ thống BDS-3 không chỉ vượt trội so với hai thế hệ trước đó mà còn được mô tả là chính xác hơn cả ba hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ, Nga và châu Âu, với sai số chỉ 10 cm, theo SCMP.

Các chuyến bay có phi hành đoàn

Vào ngày 15/10/2003, phi hành gia Yang Liwei bay vào không gian trên tàu vũ trụ Thần Châu 5 bằng tên lửa Chường Trinh 2F trong hơn 21 giờ, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba có khả năng thực hiện chuyến bay vũ trụ độc lập của con người.

Thành tựu này đã đặt nền móng cho một loạt chuyến bay có phi hành đoàn khác trong gần hai thập kỷ sau đó và mới đây nhất là nhiệm vụ Thần Châu 14 vào ngày 5/6/2022, đưa ba phi hành gia vào không gian trong 6 tháng như một phần trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ dài hạn đầu tiên của Trung Quốc, theo CGTN.

Trạm vũ trụ Thiên Cung

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu phát triển trạm vụ trụ đầu tiên của nước này từ thập niên 2010 với các nguyên mẫu Thiên Cung 1 và 2 lần lượt được đưa lên quỹ đạo vào tháng 9/2011 và tháng 9/2016. Cả hai trạm thử nghiệm này đều không được thiết kế để hoạt động dài hạn trên quỹ đạo, mà thay vào đó là để kiểm tra các công nghệ quan trọng cho trạm vũ trụ chính thức, có tên là Thiên Cung, được xây dựng vào thập niên sau đó.

Mô phỏng trạm vũ trụ Thiên Cung khi hoàn thiện. Ảnh: Bisbos

Mô phỏng trạm vũ trụ Thiên Cung khi hoàn thiện. Ảnh: Bisbos

Bộ phận chính đầu tiên của Thiên Cung – module Thiên Hòa – được phóng lên vào ngày 29/4/2021 bằng tên lửa Trường Chinh 5B. Đây là module nòng cốt của trạm vũ trụ, có kích thước dài 16,6 m và rộng 4,2 m, với chức năng hỗ trợ sự sống, cung cấp hướng dẫn, điều hướng và kiểm soát toàn bộ trạm.

Hai module còn lại tạo nên diện mạo hoàn chỉnh cho trạm Thiên Cung giai đoạn đầu là Vấn Thiên và Mộng Thiên. Đây đều là các cabin phòng thí nghiệm có cùng kích thước dài 17,9 m, rộng 4,2 m và được phóng lên vào năm nay.

Trong khi module Vấn Thiên đã bay lên quỹ đạo và ghép nối thành công với module Thiên Hòa vào tháng 7/2022, module Mộng Thiên dự kiến được phóng vào ngày 31/10 tới đây. Module cùng với tên lửa đẩy Trường Chinh 5B hiện đã được dựng đứng trên bệ phóng tại Bãi phóng Tàu vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam, theo Space.

Chương trình Mặt Trăng

Tàu vũ trụ Thường Nga 1 cất cánh vào ngày 24/10/2007 và đi tới quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 7/11/2007, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ năm đưa thành công một con tàu vũ trụ vào quỹ đạo của thiên thể này. Dữ liệu thu thập bởi Thường Nga 1 đã giúp tạo bản đồ 3D chính xác và có độ phân giải cao về bề mặt Mặt Trăng, theo Asia Times.

Tiếp nối thành công, Trung Quốc tiếp tục phóng tàu quỹ đạo Mặt Trăng thế hệ tiếp theo, Thường Nga 2, vào ngày 1/10/2010. Con tàu đã nghiên cứu Mặt Trăng từ độ cao 100 km để chuẩn bị cho “cuộc hạ cánh mềm” đầu tiên của tàu Thường Nga 3.

Sứ mệnh Thường Nga 3, bao gồm một tàu vũ trụ, tàu đổ bộ và robot tự hành, được khởi động vào ngày 1/12/2013. Tàu vũ trụ đến quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 6/12/2013, trong khi tàu đổ bộ và robot tự hành hạ cánh có kiểm soát xuống bề mặt thiên thể vào ngày 14/12/2013, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba làm được điều này sau Mỹ và Liên Xô.

Kể từ đó, Trung Quốc đã đưa thành công thêm hai tàu đổ bộ và robot thám hiểm tới bề mặt Mặt Trăng trong nhiệm vụ Thường Nga 4 và 5 lần lượt vào các năm 2019 và 2020, trong đó nhiệm vụ Thường Nga 5 đã thu thập được 1.731 g mẫu đá Mặt Trăng và đưa trở về Trái Đất vào tháng 12/2020. Đây là sứ mệnh trả mẫu Mặt Trăng đầu tiên kể từ chuyến bay Luna 24 của Liên Xô vào năm 1976.

Khám phá liên hành tinh

Trung Quốc bắt đầu nỗ lực thăm dò liên hành tinh vào năm 2011 bằng cách cử Huỳnh Hỏa 1, một tàu quỹ đạo sao Hỏa, tham gia sứ mệnh chung với Nga. Tuy nhiên, nó không thể rời quỹ đạo Trái Đất do phương tiện phóng của Nga bị hỏng.

Robot Chúc Dung chụp ảnh cùng với trạm đổ bộ bằng camera không dây. Ảnh: CNSA

Robot Chúc Dung chụp ảnh cùng với trạm đổ bộ bằng camera không dây. Ảnh: CNSA

Một thập kỷ sau đó, Trung Quốc cuối cùng cũng thành công với sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của mình khi tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 (phóng vào tháng 7/2020) đã đi vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa vào ngày 10/2/2021 và tới ngày 14/5/2021, tàu đổ bộ cùng robot tự hành Chúc Dung đã tách khỏi tàu quỹ đạo và hạ cánh có kiểm soát xuống bề mặt hành tinh đỏ.

Với việc triển khai thành công robot Chúc Dung, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai đạt được thành tích này sau Mỹ (Liên Xô từng đưa một tàu đổ bộ tới bề mặt sao Hỏa vào năm 1971 nhưng thiết bị đã mất liên lạc chỉ vài giây sau đó), theo Universe Today.

Kế hoạch 5 năm

Trung Quốc muốn đạt được nhiều thành công hơn nữa về thăm dò bằng robot trong kế hoạch 5 năm tiếp theo. Theo sách trắng “Chương trình Không gian Trung Quốc: một viễn cảnh sau năm 2021” phát hành vào ngày 28/1/2022, nước này sẽ khởi động thêm sứ mệnh Thường Nga 6 để lấy mẫu tại một vùng cực của Mặt Trăng; Thường Nga 7 để thực hiện một cuộc hạ cánh chính xác xuống vùng tối của Mặt Trăng và tìm kiếm băng nước; đồng thời hoàn thành nghiên cứu và phát triển các công nghệ quan trọng cho tàu Thường Nga 8, được thiết kế để đặt nền móng cho một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng, theo Space.

Các kế hoạch đầy tham vọng khác như đưa người lên Mặt Trăng trong tương lai gần, lấy mẫu đất sao Hỏa đem về Trái Đất, khám phá hệ thống sao Mộc và thăm dò ranh giới của hệ Mặt Trời cũng được nêu rõ trong sách trắng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển một kính viễn vọng không gian khảo sát bầu trời mang tên Xuntian. Nó có một gương chính đường kính 2 m, với trường nhìn lớn hơn gấp 300 lần so với kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và ESA. Công cụ dự kiến được phóng lên quỹ đạo vào năm 2024.

Đoàn Dương



vnexpress.net

related posts

Leave a Comment