Home Tin tức Nhà khoa học đi tìm ‘vẻ đẹp của vũ trụ’ ở tuổi 92

Nhà khoa học đi tìm ‘vẻ đẹp của vũ trụ’ ở tuổi 92

by admin


GS Cao Chi, nhà nghiên cứu vật lý, chuyên gia đầu ngành về Lý thuyết trường lượng tử của Việt Nam, vừa cho ra mắt cuốn “Vũ trụ đột sinh – Bức tranh toàn cảnh về Vật lý hiện đại” ở tuổi 92.

Tác giả chia sẻ, thông qua cuốn sách “giúp bạn đọc liên hệ và cảm nhận những điều kỳ diệu đẹp đẽ của những nguyên lý vận hành vũ trụ, nơi chúng ta đang sinh sống, tìm tòi, sáng tạo, tư duy và chiêm nghiệm”. Sách ra mắt từ 15/10.

“Cuốn sách chứa đựng nhiều tâm huyết và công sức, mong muốn sẽ đến được với những người nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên vật lý nói riêng, và những người yêu vật lý nói chung”, ông Hoàng Tô, Chủ tịch HĐQT Tinh Vân Group, chia sẻ với VnExpress.

Cuốn sách Vũ trụ đột sinh - Bức tranh toàn cảnh về Vật lý hiện đại được bày bán tại các nhà sách khoa học. Ảnh: NQ

Cuốn sách “”Vũ trụ đột sinh – Bức tranh toàn cảnh về Vật lý hiện đại” được bày bán tại các nhà sách khoa học. Ảnh: NQ

Bạn đọc sẽ gặp trong cuốn sách của GS Cao Chi những câu chuyện hấp dẫn nhất của vật lý hiện đại: những nỗ lực thống nhất lý thuyết lượng tử và lý thuyết hấp dẫn, về lý thuyết dây, lý thuyết hấp dẫn và lượng tử vòng, về vũ trụ lượng tử, vũ trụ toàn ảnh, về Vật chất tối và năng lượng tối, về lỗ đen, lỗ trắng và bức xạ Hawking, về vật lý hạt cơ bản, vật chất sống và không sống, về liên đới lượng tử, lý thuyết đối ngẫu, môi trường đông đặc, vật lý hạt nhân và sắc động học lượng tử…

Đồng thời cuốn sách cũng cho bạn đọc làm quen với nhiều khái niệm trừu tượng của toán học như lý thuyết tai biến, Topo của vũ trụ, số kỳ lạ p-adic, hay định luật bất toàn của Godel, về quá trình tiến hóa sinh học hay khái niệm về bất đối xứng trong nghệ thuật…

GS Cao Chi. Ảnh:NVCC

GS Cao Chi. Ảnh:NVCC

Giáo sư Cao Chi quê gốc Quảng Ngãi. Những năm 1955-1962, ông được chọn trong lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên đi đào tạo tại Liên Xô (cũ). Ông chọn theo ngành vật lý lý thuyết tại Đại học tổng hợp Lomonosov.

Tốt nghiệp hạng xuất sắc, ông về nước giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi được cử sang Viện Liên hiệp nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Ông làm việc tại phòng thí nghiệm lý thuyết của Bogoliubov, nhà Toán học và Vật lý lý thuyết từng được huy chương Dirac, với nhiều công trình nổi tiếng về lý thuyết trường lượng tử, cơ học thống kê lượng tử.

Tại đây, ông nghiên cứu chủ yếu về lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, lý thuyết trường chuẩn (các trường Yang-Mills), hướng đi sau này sẽ dẫn tới mô hình chuẩn, lý thuyết thành công nhất của vật lý hiện đại thống nhất được ba trong bốn lực của tự nhiên là: lực điện từ, hạt nhân yếu, hạt nhân mạnh, và có nhiều tiên đoán phù hợp với thực nghiệm.

GS Cao Chi chuyển tới làm việc tại Viện Nghiên cứu Nguyên tử quốc gia (sau đổi tên là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), từ năm 1968, và là một trong những người dẫn dắt dự án điện hạt nhân. Ông là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cấp nhà nước KC09-17, “Nghiên cứu chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật hạt nhân và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam”, giai đoạn 1992-1994.

Ông Phạm Văn Thiều, Tổng biên tập tạp chí Vật lý và tuổi trẻ nhận xét GS Cao Chi không chỉ là một nhà nghiên cứu sắc sảo, ông còn là một nhà sư phạm lỗi lạc. “Anh Cao Chi có trình độ sư phạm cao, nghệ thuật giảng dạy gắn với tinh thần nghệ sĩ mang lại sức hấp dẫn cho người nghe”. Ông Thiều và giáo sư Cao Chi là đồng dịch giả cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking. Ông đánh giá trong số những chuyên gia Vật lý hàng đầu của Việt Nam, GS Cao Chi là người có vốn văn hoá chung rộng lớn và phong phú nhất.

Trong ông có bóng dáng của một triết gia hay người hiền, như cách gọi trong văn hóa phương Đông. Những đồng nghiệp, người thân và những ai gặp ông đều nhận xét ông có phong thái, cách ứng xử với thời cuộc, học được những điều mực thước, nhẹ nhàng. Như ông Hoàng Tô, chia sẻ: “Từ ông, tôi cảm nhận được sự uyên bác, một trí tuệ đáng khâm phục nhưng vô cùng khiêm tốn”.

Có lẽ phẩm chất của một nhà sư phạm luôn muốn truyền tải lại kiến thức cho thế hệ sau, cùng với khao khát lan tỏa vẻ đẹp của thế giới vật lý đã trở thành động lực để ông tiếp tục miệt mài làm việc ngay cả khi tuổi đã cao. Trong vòng 10 năm ông đã cho ra mắt bộ sách 6 cuốn về Vật lý hiện đại với cuốn đầu tiên lên kệ đúng dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông. Cuốn sách Vũ trụ đột sinh có thể coi như cuốn sách tổng hợp của cả 6 cuốn trên.

Nếu cuốn sách còn một nhược điểm nào đó, giới chuyên môn cho rằng “vẫn còn quá nhiều công thức sẽ làm các độc giả không chuyên e ngại”. Tác giả cũng từng mong muốn giảm bớt công thức, như cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking chỉ một công thức duy nhất là E=mc2. Nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép ông thực hiện điều này. Dù vậy, bất chấp những công thức khó nhằn, đây vẫn là một cuốn sách vật lý ai cũng có thể đọc.

Như Quỳnh



vnexpress.net

related posts

Leave a Comment