Home Tin tức Lỗ thủng tầng ozone rộng 26,4 triệu km2 trên châu Nam Cực

Lỗ thủng tầng ozone rộng 26,4 triệu km2 trên châu Nam Cực

by admin


Lỗ thủng năm nay có kích thước lớn do nhiệt độ lạnh và một số nguyên nhân khác, nhưng xu hướng chung của tầng ozone vẫn là đang phục hồi.

Vùng màu xanh lam và tím thể hiện lỗ thủng ozone phía trên Nam Cực ngày 5/10/2022. Ảnh: NASA/AP

Vùng màu xanh lam và tím thể hiện lỗ thủng ozone phía trên Nam Cực ngày 5/10/2022. Ảnh: NASA/AP

NASA cho biết, lỗ thủng tầng ozone phía trên châu Nam Cực năm nay đạt kích thước cực đại 26,4 triệu km2 vào ngày 5/10, mức lớn nhất kể từ năm 2015, AP hôm 14/10 đưa tin. Nguyên nhân là nhiệt độ lạnh hơn bình thường ở độ cao 12 – 20 km, nơi có lỗ thủng tầng ozone, tạo điều kiện thuận lợi cho các hóa chất clo phá hủy tầng ozone.

“Xu hướng chung vẫn đang tốt lên. Năm nay chỉ tệ hơn một chút vì lạnh hơn mà thôi. Mọi dữ liệu đều cho thấy tầng ozone đang phục hồi”, nhà khoa học Trái Đất Paul Newman tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA, cho biết.

Việc chỉ nhìn vào kích thước cực đại của lỗ thủng ozone, nhất là vào tháng 10, có thể gây hiểu lầm, theo nhà khoa học Susan Solomon tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). “Sự suy giảm ozone bắt đầu muộn hơn và mất nhiều thời gian hơn để đạt cực đại, lỗ thủng thường cũng nông hơn vào tháng 9 – tháng then chốt để xem xét sự phục hồi của tầng ozone – không phải tháng 10”, Solomon giải thích.

Các hóa chất clo và brom lơ lửng trên cao trong khí quyển gây hại cho lớp ozone bảo vệ Trái Đất. Thời tiết lạnh tạo ra những đám mây giải phóng các hóa chất này, theo Newman. Càng lạnh, mây càng nhiều và lỗ thủng ozone càng lớn. Carbon từ quá trình đốt than, dầu và khí tự nhiên khiến bề mặt Trái Đất ấm hơn, nhưng tầng bình lưu trên lại lạnh hơn.

Nhiều thập kỷ trước, các nhà hóa học khí quyển nhận thấy clo và brom trong khí quyển đang tăng và cảnh báo về những thiệt hại với cây trồng, tình trạng thiếu thực phẩm và gia tăng ung thư da. Năm 1987, các nước ký kết Nghị định thư Montreal nhằm cấm những hóa chất phá hủy tầng ozone, giúp tầng ozone dần hồi phục.

Dù có sự biến động mỗi năm, kích thước của lỗ thủng ozone có xu hướng giảm dần kể từ khi đạt mức lớn nhất mọi thời đại là 29,9 triệu km2 vào tháng 9/2000. Trong khi nhiệt độ lạnh có thể là nguyên nhân chính khiến lỗ thủng ozone năm nay tương đối lớn, một số ý kiến cho rằng việc các nhà máy sử dụng hóa chất trái phép có thể là nguyên nhân khác. Ngoài ra, theo chuyên gia Brian Toon tại Đại học Colorado, những đám cháy rừng lớn ở Australia và vụ phun trào núi lửa dưới biển ở Tonga cũng có thể ảnh hưởng phần nào.

Thu Thảo (Theo AP)



vnexpress.net

related posts

Leave a Comment