Home Tin tức So sánh lực cắn của cá mập hổ và cá mập đầu búa

So sánh lực cắn của cá mập hổ và cá mập đầu búa

by admin


Nhiếp ảnh gia dưới nước Brocq Maxey lần đầu tiên đo được lực cắn của hai loài cá mập khổng lồ trong điều kiện tự nhiên.

Cá mập hổ tại một địa điểm lặn ngoài khơi Bahamas. Ảnh: National Geographic

Cá mập hổ tại một địa điểm lặn ngoài khơi Bahamas. Ảnh: National Geographic

Là động vật săn mồi hàng đầu dưới đại dương, cá mập nổi tiếng với sức mạnh, tốc độ và cú đớp tử thần, nhưng hầu hết mô tả khoa học về lực cắn của chúng đều đến từ các thí nghiệm trong môi trường nuôi nhốt hoặc dựa trên mô hình máy tính.

“Đó là điều dễ hiểu bởi có rất nhiều hạn chế về mặt hậu cần khi làm việc với những con cá mập khổng lồ ngoài môi trường tự nhiên”, nhà sinh vật học Dan Huber tại Đại học Tampa của Mỹ chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia dưới nước Brocq Maxey, người giúp điều hành công ty lặn Shark Explorers có trụ sở tại Nam Phi, muốn thực hiện thử thách đó. Trong một nghiên cứu mới đây, Maxey đã trực tiếp đo được lực cắn của một con cá mập hổ và cá mập đầu búa hoang dã – hai trong số những loài săn mồi lớn nhất hành tinh.

Brocq Maxey ghi lại lực cắn của một con cá mập hổ cái ở Bahamas. Ảnh: National Geographic

Brocq Maxey ghi lại lực cắn của một con cá mập hổ cái ở Bahamas. Ảnh: National Geographic

Nhiếp ảnh gia đã thiết kế một công cụ đo lực cắn đặc biệt, đủ nhạy để đọc kết quả chính xác nhưng cũng đủ cứng để chịu được bộ hàm mạnh mẽ của cá mập, sau đó đặt nó xuống vùng biển nông ngoài khơi Bahamas và dùng mồi để khuyến khích các con vật cắn vào đồng hồ đo.

Maxey và nhóm của ông đã ghi nhận lực cắn 505 PSI (pound trên inch vuông) từ một con cá đầu búa lớn dài 3,35 m và 864 PSI từ một con cá mập hổ dài 2,74 m. Mặc dù nhỏ hơn cá mập đầu búa 61 cm, cá mập hổ lại có lực cắn cao hơn 70%. Kết quả này đúng với những gì Huber mong đợi dựa trên các mô hình toán học của mình.

Cá mập đầu búa lớn ngoài khơi Bahamas. Ảnh: National Geographic

Cá mập đầu búa lớn ngoài khơi Bahamas. Ảnh: National Geographic

Cá mập có cú đớp uy lực, nhưng điều này thường là do kích thước khổng lồ của chúng. Khi xem xét kích thước cơ thể, lực cắn của chúng tương đối thấp so với các loài động vật khác, chẳng hạn như hà mã là 1.827 PSI và cá sấu nước mặn 3.748 PSI.

Maxey giải thích rằng cá mập lớn không cần một cú đớp quá mạnh mẽ để săn mồi vì miệng của chúng chứa đầy những chiếc răng sắc nhọn như dao.

Việc nghiên cứu lực cắn sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách cá mập phát triển các chiến lược săn mồi của chúng trong 400 triệu năm qua để trở thành động vật săn mồi hiệu quả như ngày nay.

Đó cũng là dữ liệu quan trọng cho nỗ lực bảo tồn vì càng biết nhiều về cá mập, các nhà khoa học càng có nhiều kế hoạch để cứu chúng. Cá mập đầu búa lớn hiện “cực kỳ nguy cấp”, trong khi cá mập hổ “sắp bị đe dọa”, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Đoàn Dương (Theo National Geographic)



Vnexpress.net

related posts

Leave a Comment