Home Tin tức Cá sấu tiêu diệt lợn hoang xâm hại ở Australia

Cá sấu tiêu diệt lợn hoang xâm hại ở Australia

by admin


Lợn hoang xâm hại phá hủy hệ sinh thái ở Australia đang trở thành nguồn thức ăn chính của cá sấu nước mặn.

Cá sấu quăng quật lợn hoang trước khi ăn thịt. Ảnh: Alamy

Cá sấu quăng quật lợn hoang trước khi ăn thịt. Ảnh: Alamy

Cảnh tượng một bầy lợn hoang ghé sát mép sông để uống nước rất phổ biến tại các đầm lầy phía bắc Australia. Ngay khi những con lợn dễ tấn công nhất, cá sấu nước mặn lao ra từ chỗ ngụy trang dưới nước, khiến lợn con chạy tán loạn. Ngay cả lợn trưởng thành nặng gần 70 kg cũng không có cơ hội.

“Cá sấu ăn bất cứ thứ gì dễ săn, và lợn hoang có kích thước hoàn hảo”, New York Times hôm 15/8 dẫn lời Mariana Campbell, nhà nghiên cứu ở Đại học Charles Darwin, Australia. “Chúng là những kẻ đi săn khá lười biếng. Mục tiêu nào dễ dàng nhất đối với một con cá sấu? Ở gần bờ sông và chờ một con lợn trong vài giờ hay săn loài vật bơi nhanh gấp 5 lần như cá mập?”

Một số nhà khoa học hy vọng cuộc đối đầu giữa cá sấu và lợn hoang có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lợn hoang, loài xâm hại gây ra thiệt hại lớn trong tự nhiên ở Australia, cuối cùng đã gặp đối thủ. Chúng cũng giúp lý giải tại sao cá sấu phát triển tốt, theo nghiên cứu do Campbell và cộng sự công bố gần đây trên tạp chí Biology Letters.

Cá sấu nước mặn đã sống hàng triệu năm ở Australia. Lợn hoang đến Australia cùng với những người định cư châu Âu đầu tiên cuối thế kỷ 18. Cá sấu nước mặn là động vật săn mồi hàng đầu lớn nhất ở Australia suýt tuyệt chủng vào đầu thập niên 1970. Trong khi đó, lợn hoang lan rộng khắp 40% diện tích đất liền của Australia và các chuyên gia bảo tồn ước tính có khoảng 24 triệu con trên cả nước. Giới khoa học cho rằng, lợn hoang và nhiều loài xâm hại khác gây mất môi trường sống, khiến Australia có tỷ lệ động vật có vú tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Để tìm hiểu có phải lợn hoang giúp khôi phục quần thể cá sấu Australia hay không, Campbell và cộng sự nghiên cứu đồng vị carbon và nitơ trong những năm gần đây từ mẫu vật xương cá sấu sống ở cảng Darwin và vườn quốc gia Kakadu. Sau đó, họ so sánh với mẫu vật bảo tàng lấy ở khắp bang Northern Territory từ cuối thập niên 1960 đến giữa thập niên 1980. Phân tích xương hé lộ trong 50 năm qua, lợn hoang trở thành nguồn thức ăn chính của cá sấu. Điều này đánh dấu chuyển biến cơ bản trong chế độ ăn của cá sấu nước mặn từ con mồi dưới nước sang động vật trên cạn.

Sự thay đổi dẫn tới quá trình phục hồi của cá sấu nước mặn bắt đầu vào năm 1971 khi chính quyền bang Northern Territory cấm săn bắt cá sấu. Cuối Thế chiến II, có khoảng 100.000 con cá sấu nước mặn trong bang. Năm 1971, loài vật đối mặt nguy cơ tuyệt chủng khi số lượng còn chưa đến 3.000 con.

Trong một thập kỷ sau lệnh cấm săn cá sấu, một chương trình tiêu diệt khiến số lượng trâu hoang dã giảm mạnh, góp phần thúc đẩy lợn hoang phát triển. Nhỏ và nhát hơn trâu, lợn hoang khó tiêu diệt hơn nhiều. Số lượng của chúng gia tăng nhanh chóng. Với số lượng lớn và phạm vi sinh sống rộng, lợn hoang trở thành nguồn thức ăn sẵn có cho cá sấu.

Theo Campbell, nếu không có sẵn lợn hoang trong môi trường sống, số lượng cá sấu không thể phục hồi như hiện nay. Nghiên cứu chỉ ra cá sấu phục hồi chậm hơn ở những khu vực không có lợn hoang và không có sự thay đổi về chế độ ăn. Ông cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ liệu hoạt động săn mồi của cá sấu có tác động tới quần thể lợn hoang hay không.

An Khang (Theo New York Times)



vnexpress.net

related posts

Leave a Comment